Hộ kinh doanh là một loại mô hình kinh doanh đơn giản, chi phí thấp, phù hợp với cá nhân hoặc hộ gia đình. Bài viết sau đây sẽ cho bạn đọc biết về hộ kinh doanh theo quy định hiện hành.
Hộ kinh doanh là gì?
Hộ kinh doanh là một hình thức tổ chức kinh tế do một cá nhân hoặc hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
Căn cứ vào số lượng thành viên, có thể chia thành 02 loại hộ kinh doanh như sau:
– Hộ kinh doanh cá thể: Do một cá nhân thành lập, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi hoạt động kinh doanh của mình.
– Hộ kinh doanh do hai hoặc nhiều thành viên hộ gia đình thành lập: Do hai hoặc nhiều thành viên trong hộ gia đình cùng nhau thành lập, các thành viên cùng nhau quản lý và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh. Trong đó, chủ hộ là người được các thành viên khác thống nhất là người đại diện cho hộ kinh doanh về mặt pháp lý trước các giao dịch với các đối tác.
Điều kiện thành lập hộ kinh doanh
– Là công dân Việt Nam. Người nước ngoài, người không có quốc tịch không được quyền thành lập hộ kinh doanh theo pháp luật Việt Nam.
– Người tham gia hộ kinh doanh phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự.
– Không thuộc các trường hợp sau đây:
+ Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
+ Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
+ Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
– Không đồng thời là chủ hộ kinh doanh hoặc thành viên hộ kinh doanh khác trong phạm vi toàn quốc.
– Không đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
Quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh theo quy định hiện hành
– Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
– Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
– Chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
– Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
– Các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh.
Hồ sơ thành lập hộ kinh doanh bao gồm các giấy tờ sau:
– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh theo mẫu quy định.
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh
– Nếu các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì cần các giấy tờ sau:
+ Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên hộ gia đình;
+ Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
+ Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh
Thủ tục thành lập hộ kinh doanh được thực hiện theo trình tự như sau:
– Chủ hộ kinh doanh/người được chủ hộ kinh doanh ủy quyền nộp hồ sơ theo quy định tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
– Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
– Sau 03 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải giải quyết và trả kết quả giải quyết cho người nộp hồ sơ.
– Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện không được yêu cầu người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh nộp thêm hồ sơ hoặc giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Các loại thuế mà hộ kinh doanh phải nộp
Hộ kinh doanh phải nộp các loại thuế, phí, lệ phí sau:
– Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
– Thuế giá trị gia tăng (GTGT)
– Lệ phí môn bài
– Các loại thuế, phí khác tùy thuộc vào hoạt động kinh doanh có thể phát sinh như: thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu, thuế đất…
Phương pháp tính thuế của hộ kinh doanh là phương pháp khoán hay còn gọi là thuế khoán, trừ một số trường hợp áp dụng phương pháp kê khai.
Hộ kinh doanh có thể được hưởng một số ưu đãi thuế như sau:
– Không phải nộp thuế GTGT đối với một số mặt hàng hàng hóa, dịch vụ là Đối tượng không chịu thuế theo quy định của Luật Thuế Giá trị Gia tăng năm 2024. Một số mặt hàng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT tiêu biểu như:
+ Sản phẩm cây trồng, rừng trồng, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu.
+ Sản phẩm giống vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi, vật liệu nhân giống cây trồng theo quy định của pháp luật về trồng trọt.
+ Thức ăn chăn nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi; thức ăn thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản
+ Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân sản xuất, kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống; tài sản của tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế giá trị gia tăng bán ra; hàng dự trữ quốc gia do cơ quan dự trữ quốc gia bán ra; các khoản thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
– Miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên thành lập theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP.
Một số lưu ý về hộ kinh doanh theo quy định hiện hành
Địa điểm kinh doanh của Hộ kinh doanh
Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Tên của Hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh có tên gọi riêng. Tên hộ kinh doanh bao gồm hai thành tố theo cấu trúc như sau:
Hộ kinh doanh + Tên riêng của hộ kinh doanh
Trong đó:
– Cụm từ “Hộ kinh doanh” là cụm từ bắt buộc phải có trong tên của hộ kinh doanh.
– Tên riêng của hộ kinh doanh được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, có thể kèm theo chữ số, ký hiệu.
– Tên riêng của hộ kinh doanh không được sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Tên riêng của hộ kinh doanh không được sử dụng các cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
Ngành nghề của hộ kinh doanh
Hộ kinh doanh phải đăng ký ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ thành lập hộ kinh doanh. Hộ kinh doanh có thể thay đổi (bổ sung hoặc thay thế hoặc bỏ bớt) ngành nghề kinh doanh đã đăng ký.
Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành. Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc hộ kinh doanh kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ra Thông báo yêu cầu hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, đồng thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Trên đây là các quy định chung về hộ kinh doanh và thủ tục thành lập hộ kinh doanh theo pháp luật hiện hành. Bạn đọc cần nắm rõ để có thể lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp bên cạnh hình thức doanh nghiệp.