Điều kiện thành lập doanh nghiệp theo quy định hiện hành

Dieu Kien Thanh Lap Doanh Nghiep

Hiện nay, các quy định về thành lập doanh nghiệp đã được cải thiện theo hướng tạo điều kiện hết mức cho các cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, khi thành lập doanh nghiệp các cá nhân, tổ chức cũng cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định. Điều kiện thành lập doanh nghiệp là những điều kiện nào? Hãy tìm hiểu các quy định về vấn đề này qua bài viết sau đây.

1. Điều kiện về người thành lập doanh nghiệp

Người thành lập doanh nghiệp là các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc thành lập doanh nghiệp. Hay nói cách khác, đó là chủ sở hữu, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh, cổ đông sáng lập,…

Theo quy định, tất cả các cá nhân, tổ chức đều có quyền tham gia thành lập doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp trừ những trường hợp bị cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Doanh nghiệp 2014. Cụ thể là các trường hợp sau:

Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

  • Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;
  • Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;
  • Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; tổ chức không có tư cách pháp nhân;
  • Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hình phạt tù, quyết định xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị cấm hành nghề kinh doanh, đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định, liên quan đến kinh doanh theo quyết định của Tòa án; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về phá sản, phòng, chống tham nhũng.

Dieu Kien Thanh Lap Doanh Nghiep

2. Điều kiện thành lập doanh nghiệp về ngành nghề kinh doanh

Về nguyên tắc, doanh nghiệp được thành lập có thể hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm. Doanh nghiệp không phải đăng ký ngành nghề kinh doanh nhưng phải thực hiện thủ tục thông báo ngành nghề kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi kinh doanh.

Đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định. Các điều kiện này thường được quy định trong văn bản pháp luật chuyên ngành (luật, nghị định, thông tư,…). Chẳng hạn, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán được quy định tại Luật Kế toán 2015; Hay điều kiện kinh doanh bất động sản được quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn;…

Xem thêm: >>> Dịch vụ thay đổi ngành nghề kinh doanh

3. Điều kiện về đặt tên doanh nghiệp

Tên doanh nghiệp cần phải tuân thủ cấu trúc luật định, bao gồm: Công ty + Loại hình + tên riêng.

Trong đó, người thành lập doanh nghiệp có thể tùy ý lựa chọn tên riêng theo sở thích, nhu cầu của mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn tên riêng cũng không được vi phạm các quy định cấm của Luật doanh nghiệp và các văn bản pháp luật liên quan.

Để tìm hiểu thêm về cách đặt tên cho doanh nghiệp, hãy tham khảo bài viết: Đặt tên công ty như thế nào?

4. Điều kiện về trụ sở chính của công ty

Một địa điểm được lựa chọn là trụ sở chính của công ty khi nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

Là địa điểm xác định trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ cụ thể bao gồm: Số nhà, ngách, hẻm, ngõ phố, phố, đường hoặc thôn, xóm, ấp, xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Được sử dụng đúng mục đích theo giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nhà ở (sổ đỏ, sổ hồng).

Không thuộc trường hợp là căn hộ chung cư, căn hộ tập thể. Trong trường hợp là nhà tập thể, nhưng là nhà riêng (có sổ đỏ riêng) thì vẫn có thể lựa chọn làm địa chỉ trụ sở chính của công ty.

Xem thêm: >>> Dịch vụ thay đổi địa chỉ công ty

5. Điều kiện về vốn điều lệ

Vốn điều lệ được những người thành lập công ty lựa chọn theo nhu cầu và khả năng của mình. Pháp luật không quy định mức tối đa và mức tối thiểu của vốn điều lệ mà doanh nghiệp đăng ký. Tuy nhiên, những người thành lập công ty phải đảm bảo nghĩa vụ góp đầy đủ và đúng hạn số vốn đã đăng ký góp khi thành lập công ty.

Một số trường hợp, khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành nghề có yêu cầu mức vốn pháp định thì mức vốn điều lệ đăng ký phải bằng hoặc lớn hơn vốn pháp định. Chẳng hạn, mức vốn pháp định của ngành nghề kinh doanh bất động sản là 20 tỷ, thì doanh nghiệp phải đăng ký số vốn điều lệ từ 20 tỷ trở lên.

Xem thêm: >>> Dịch vụ thay đổi vốn điều lệ

Trên đây là những điều kiện bắt buộc mà những người tham gia thành lập doanh nghiệp phải đáp ứng khi thành lập công ty. Những điều kiện này không quá khó để thực hiện, vì thế, doanh nghiệp cần chú ý để không vi phạm các quy định của pháp luật.

Hỗ trợ tư vấn 24/7 

LUAT360 (11)