Thửa đất thuộc sở hữu của hộ gia đình có thể chia tách cho các thành viên trong hộ gia đình. Thủ tục tách sổ đỏ hộ gia đình như thế nào? Hãy cùng tham khảo bài viết sau đây.
Các thành viên của hộ gia đình là đồng sở hữu đối với quyền sử dụng thửa đất của hộ gia đình. Các thành viên có thể tách phần đất của mình tạo thành thửa riêng. Tách Sổ đỏ hộ gia đình về cơ bản thực hiện như thủ tục tách thửa chung nhưng vẫn có điểm riêng biệt, bởi lẽ các thành viên có chung quyền sử dụng đất tách để “chia nhau” hoặc “chia” cho một thành viên chứ không phải chuyển nhượng, tặng cho.
Điều kiện tách Sổ đỏ hộ gia đình
Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, Điều 29 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT và Quyết định quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa của các tỉnh, thành thì khi tách Sổ đỏ hộ gia đình cần có đủ các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận.
– Đất không có tranh chấp.
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
– Đất còn thời hạn sử dụng.
– Thửa đất dự định tách đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có đất.
Hồ sơ tách sổ đỏ hộ gia đình
Khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT, hồ sơ đề nghị tách thửa gồm các thành phần sau:
– Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu số 11/ĐK
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bản gốc (Sổ hồng, Sổ đỏ).
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Trình tự thủ tục tách sổ đỏ hộ gia đình
Bước 1: Nộp hồ sơ
Hộ gia đình, cá nhân nộp đơn bằng một trong các cách sau:
Cách 1: Nộp trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.
Cách 2: Không nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.
– Nếu địa phương đã thành lập Bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) – Một số địa phương là Trung tâm hành chính công.
– Nếu địa phương chưa thành lập Bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có đất; nếu địa phương chưa tổ chức Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thì nộp trực tiếp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ
Người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra sơ bộ, ghi và trao phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người nộp (phiếu hẹn); trường hợp người tiếp nhận hồ sơ không đưa phiếu tiếp nhận hồ sơ thì người nộp phải hỏi lấy phiếu này.
Bước 3: Giải quyết yêu cầu
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thẩm tra hồ sơ để đối chiếu hồ sơ có đáp ứng các điều kiện quy định hay không.
Bước 4: Trả kết quả
* Thời gian giải quyết: Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định; không quá 25 ngày làm việc đối với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, phường, thị trấn, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất (thời gian nộp tiền vào ngân sách (nếu có)); không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Các loại thuế, phí phải nộp khi tách sổ đỏ hộ gia đình
Nếu các thành viên trong hộ gia đình thực hiện thủ tục tách Sổ đỏ để tách phần đất của mình thì phải nộp các khoản thuế, phí như sau:
– Phí đo đạc khi tách thửa
Phí đo đạc không phải là khoản tiền do Nhà nước thu, nói cách khác đây là khoản tiền mà người tách thửa trả cho đơn vị đo đạc (chi phí thuê đo đạc).
Thông thường phí đo đạc sẽ dao động từ 1.000.000 VNĐ-2.000.000 VNĐ.
– Lệ phí cấp Giấy chứng nhận
Căn cứ Thông tư 85/2019/TT-BTC, lệ phí cấp Giấy chứng nhận do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành quy định nên mức thu khác nhau.
Mức thu của các địa phương hiện nay là từ 100.000 đồng trở xuống.
– Tách sổ đỏ hộ gia đình là trường hợp được miễn lệ phí trước bạ theo quy định tại khoản 5 Điều 5 Thông tư 13/2022/TT-BTC.
Trên đây là hướng dẫn quan trọng về việc tách sổ đỏ hộ gia đình theo quy định hiện hành. Bạn đọc có thể nắm bắt được tổng quan về về các điều kiện và thủ tục, nếu có vướng mắc nào cần giải đáp, bạn đọc vui lòng liên hệ với chúng tôi để được trả lời cụ thể.