Thuế khoán được áp dụng cho hầu hết các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Từ ngày 01/06/2025, một số thay đổi về thuế khoán sẽ có hiệu lực.
Thuế khoán là một hình thức nộp thuế đặc trưng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực vào ngày 01/06/2025 thì một số trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện chế độ thuế khoán mà áp dụng hình thức nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Thuế khoán là gì?
Thuế khoán là loại thuế trọn gói áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Do mức thuế thấp và khó xác định rõ ràng nên cơ quan thuế có thẩm quyền định mức một khoản thuế trên cơ sở hồ sơ tự khai của người nộp thuế, ý kiến tư vấn Hội đồng tư vấn thuế cấp xã và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế. Có thể hiểu, thuế khoán là việc nộp một khoản tiền thuế cố định cho Nhà nước định kỳ hằng tháng theo những quy định của pháp luật thay vì phải thực hiện tính toán theo doanh thu hay lợi nhuận thực tế (phương pháp kê khai). Khi áp dụng nộp thuế khoán, người nộp thuế không cần kê khai hay thực hiện đầy đủ chế độ kế toán theo quy định. Việc kinh doanh có lãi hay không có lãi không ảnh hưởng đến nghĩa vụ nộp thuế.
Mức thuế khoán là tiền thuế và các khoản thu khác phải nộp ngân sách Nhà nước của hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán do cơ quan thuế xác định. Mức thuế khoán được tính theo tỷ lệ trên doanh thu khoán và do cơ quan thuế xác định.
Đối tượng nộp thuế khoán
Căn cứ khoản 8 Điều 3 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán như sau:
“Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán” là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.”
Theo đó, đối tượng áp dụng thuế khoán là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, TRỪ 02 trường hợp sau:
– Hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai: Hộ, cá nhân kinh doanh quy mô lớn và hộ, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp theo phương pháp kê khai.
– Cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh: Cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định như kinh doanh lưu động, cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân,…
Hiện nay, mức doanh thu phải nộp thuế khoán là trên 100 triệu đồng/năm dương lịch. Nhưng kể từ ngày 01/01/2026, mức doanh thu nộp thuế là trên 200 triệu đồng/năm.
>>> Nên thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh khi bắt đầu khởi nghiệp?
Các trường hợp hộ kinh doanh không còn nộp thuế khoán từ ngày 01/06/2025
Hiện nay, có một số ý kiến nói rằng “từ ngày 01/06/2025 hộ kinh doanh không được áp dụng chế độ thuế khoán nữa”. Đây là ý kiến không chính xác, không đầy đủ theo quy định của Nghị định 70/2025/NĐ-CP.
Theo đó, Căn cứ Khoản 8 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/6/2025 (sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 11 Nghị định 123/2020/NĐ-CP) quy định về đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền như sau:
Điều 11. Hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 51 có mức doanh thu hằng năm từ 01 tỷ đồng trở lên, khoản 2 Điều 90, khoản 3 Điều 91 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam) sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.”
Như vậy, từ ngày 01/6/2025, hộ kinh doanh có doanh thu từ 1.000.000.000 VNĐ/năm và thuộc các nhóm ngành nghề nhất định sẽ phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, thay vì nộp thuế khoán như hiện nay. Các nhóm ngành nghề mà hộ kinh doanh sẽ phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế gồm:
Hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác).
– Ăn uống.
– Nhà hàng.
– Khách sạn.
– Dịch vụ vận tải hành khách.
– Dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ.
– Dịch vụ nghệ thuật.
– Hoạt động vui chơi, giải trí.
– Hoạt động chiếu phim.
– Dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam).
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong trường hợp không được áp dụng hình thức thuế khoán này phải thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Như vậy, sau ngày 01/6/2025 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nêu trên phải thực hiện nộp thuế theo phương pháp kê khai, còn các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khác có thể được áp dụng hình thức nộp thuế khoán theo quy định cũ.
Cách tính thuế khoán phải nộp
Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nộp thuế theo phương pháp khoán được xác định theo công thức quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ thuế GTGT x Doanh thu tính thuế GTGT
Và:
Số thuế TNCN phải nộp = Tỷ lệ thuế TNCN x Doanh thu tính thuế TNCN
Trong đó:
– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân được xác định hướng dẫn tại đây.
– Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, tiền hoa hồng phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả:
+ Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền.
+ Các khoản trợ giá, phụ trội, phụ thu, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
+ Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân).
+ Doanh thu khác mà hộ, cá nhân kinh doanh được hưởng.
>>> Hướng dẫn cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Một số lưu ý về thuế khoán
– Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán KHÔNG PHẢI thực hiện chế độ kế toán. Có thể hiểu là không phải nộp tờ khai, báo cáo thuế hàng tháng, hàng quý, hàng năm.
– Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, hợp đồng, chứng từ, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
– Mức doanh thu phải nộp thuế khoán là trên 100 triệu đồng/năm dương lịch.
– Thuế khoán được xác định theo những căn cứ sau:
+ Hồ sơ khai thuế do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế.
+ Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
+ Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã (xã, phường, thị trấn).
+ Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán:
+ Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày 15/12 năm trước liền kề năm tính thuế.
+ Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (gồm cả hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán)/hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai/hộ khoán thay đổi ngành nghề/hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh/chuyển đổi phương pháp tính thuế/thay đổi ngành nghề hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.
+ Riêng trường hợp hộ kinh doanh áp dụng phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.
Trên đây là một số quy định quan trọng về thuế khoán áp dụng cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Bạn đọc cần nắm rõ các quy định này để tiến hành hoạt động kinh doanh một cách đúng pháp luật, tránh được rủi ro pháp lý và lựa chọn kế hoạch kinh doanh một cách hiệu quả.